TÙY THEO KÍCH THƯỚC HÌNH DẠNG CÂY TRÀ CÓ THỂ ĐƯỢC CHIA THÀNH BA LOẠI :
1. Dạng thân gỗ: Cây có thân chính rõ rệt, các cành mọc ra từ thân chính, do đó dạng cây này có dáng cao to, chiều cao từ 2-30m, chu vi gốc có thể đạt 1-2m.
2. Dạng bán thân gỗ: Cây có thân chính rõ rệt, thân chính và thân phụ rất dễ phân biệt, dáng cây không cao to như cây thân gỗ, phân cành thấp gần mặt đất, lá dạng vừa, thông thường còn gọi là cây thân gỗ nhỏ.
3. Dạng thân bụi: Cây không có thân chính rõ rệt, vị trí phân cành thấp, do đó dáng cây tương đối thấp, nhưng nếu không có người cắt tỉa thực tế cây có thể phát triển rất cao.
Dù là cây trà thân gỗ, bán thân gỗ hay thân bụi, để nâng cao hiệu quả kinh tế trong trồng trọt, cây trà thường được cắt tỉa cho lùn đi. Cây sau khi cắt sẽ có dáng tương đối thấp, tiện cho việc hái trà và chăm sóc. Cây sau khi cắt sẽ mất ưu thế đỉnh mầm, cây sẽ mọc thêm nhiều mầm khác, ngoài việc tăng số lượng mầm gia tăng năng suất nó còn làm cho cây trà phát triển gọn gàng hơn, nâng cao hiệu suất hái trà. Đôi khi để điều tiết nhân lực hái trà và chế biến trà trong mùa vụ sản xuất, việc tỉa cành được sử dụng để khắc phục tình trạng các đợt hái trà quá gần nhau. Ví dụ, đợt hái trà đúng vào kỳ nghỉ lễ dài ngày, có thể chọn cách cắt tỉa để tránh điều động nhân lực trong kỳ nghỉ dài.
“Mầm” là gì?

Hình ảnh : Mầm cây trà
Mầm là tế bào sơ khai của lá, thân, hoa, quả. Có thể chia thành mầm lá và mầm hoa. Mầm lá là mầm dinh dưỡng phát triển cho ra cành, mầm hoa thì phát triển cho ra hoa.
Mầm lá tùy theo vị trí mọc, có thể chia thành mầm cố định và mầm bất định. Mầm cố định chia thành mầm đỉnh và mầm nách. Mầm mọc ở phần ngọn các cành gọi là mầm đỉnh, mọc ở giữa các cành gọi là mầm nách. Mầm bất định mọc ở phần thân, gốc cây trà. Các mầm không tiếp tục phát triển thành lá trong thời kỳ sinh trưởng được gọi là mầm ngủ. Các mầm hình thành theo mùa gọi là mầm mùa vụ, gồm hai loại mầm mùa đông và mầm mùa xuân.
Thế nào là “Ưu thế mầm đỉnh” ?
“Ưu thế mầm đỉnh” là hình thái sinh trưởng phổ biến của thực vật, nghĩa là khi trên ngọn cây trà xuất hiện một mầm thì toàn bộ chất dinh dưỡng của cây sẽ được tập trung chuyển lên mầm ở ngọn nên mầm sẽ ngày càng cao lớn. Còn các mầm khác trên cành (ví dụ: mầm bên, mầm nách) sẽ không được cung cấp chất dinh dưỡng do có mầm đỉnh và mất cơ hội nảy mầm. Vì vậy, nếu loại bỏ ưu thế mầm đỉnh của cây bằng cách cắt đi mầm đỉnh thì các mầm khác sẽ có cơ hội phát triển, và sản lượng trà của cây sẽ tăng lên.
Đương nhiên, tỉa cành để hạ thấp độ cao cây là một biện pháp quản lý hiệu quả, đồng thời cũng có thể giảm bớt chi phí bón phân, nhưng việc tỉa cành không nên lặp đi lặp lại quá nhiều trên cùng một hàng, và cũng không được quá gần các cành bánh tẻ, để tránh các điểm mầm bên mọc nhiều, khiến cho việc phân bổ dinh dưỡng không đồng đều, mầm phát triển không toàn diện.
TÙY VÀO KÍCH THƯỚC CỦA LÁ TRÀ CÓ THỂ ĐƯỢC CHIA THÀNH HAI LOẠI:

Hình ảnh: Lá trà
1. Cây trà lá to: Về hình dáng bên ngoài, lá cây trà lá to trưởng thành dài trên 10 cm, thậm chí có những lá dài hơn 20 cm.
2. Cây trà lá nhỏ: Chiều dài lá trưởng thành của cây trà lá nhỏ là dưới 10 cm.
Thông thường, trà thân gỗ có lá lớn hơn nên xếp vào loại lá to, trà thân bụi có lá nhỏ hơn nên thuộc loại lá nhỏ. Tuy nhiên, khi phân loại cây trà lá to hay lá nhỏ không thể chỉ đơn thuần quan sát bằng mắt hay dựa vào kích thước, vì vậy một số cây trà có lá to lại được xếp vào loại cây trà lá nhỏ là chuyện bình thường. Tất nhiên, do sự khác biệt về cấu trúc thịt lá nên thành phẩm làm từ cây trà lá to và lá nhỏ sẽ có hương vị, nước trà khác nhau. Nước trà pha từ trà lá nhỏ sẽ ngọt và béo; còn nước trà pha từ trà lá to sẽ đậm đà hơn.