
LÀM SAO ĐỂ TĂNG LỢI NHUẬN TRONG NGÀNH TRÀ ?
Trong kinh doanh có 2 con đường để tăng lợi nhuận đó là tối ưu hóa chi phí và tăng doanh thu. Thực hiện đồng thời cả hai con đường này đã khó, mà đối với sản phẩm trà- vốn là tinh hoa của các nền văn hóa từ xưa tới nay lại càng khó hơn nữa. Nhưng tôi đã tìm ra được lời giải cách đây hơn 10 năm về trước bằng cách nghiên cứu ra quy trình chế biến mới.
Tôi đi khắp các vùng trà Đài Loan, thử những loại trà được thị trường ưa chuộng nhất. Muốn bán được sản lượng nhiều hơn, trà Việt Nam phải làm được những sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường quốc tế. Muốn sản phẩm Oolong được định giá cao hơn, trà Việt Nam phải đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, mà tiêu biểu là trà Oolong Đài Loan đang có. Nhưng phải làm sao khi chất lượng trà đang phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên: độ cao, đất đai thổ nhưỡng, khí hậu…
Việt Nam không có điều kiện tự nhiên ấy thì tương lai ngành trà không thể thay đổi hay sao?
Mất nhiều năm để nghiên cứu, thì 10 năm trước tôi đã tìm ra được câu trả lời.
Thời điểm đó tất cả các công ty trà từ Đài Loan cho đến Việt Nam đều làm trà bằng phương pháp héo nắng. Tôi đã tìm ra quy trình làm trà không héo nắng. Quy trình chế biến này hoàn toàn phải dựa vào kinh nghiệm của người làm trà, không có một công thức cố định nào trong cách chế biến mà buộc người làm trà phải rất am hiểu về thổ nhưỡng, thời tiết, khí hậu… ở vùng miền tại thời điểm đó để linh hoạt.
Quy trình làm trà không héo nắng này đã cùng lúc giải quyết được 2 việc là giảm chi phí và tăng doanh thu. Nhờ quy trình này mà tôi đã tiết kiệm chi phí nhân công, rút ngắn thời gian sản xuất và không bị phụ thuộc vào thời tiết mưa nắng ở Bảo Lộc. Chi phí sản xuất giảm đến 25% so với cách chế biến trà Oolong truyền thống.
Điều quan trọng nhất là quy trình chế biến này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đây cũng là nền tảng giúp tôi làm ra được những sản phẩm chất lượng tuyệt hảo tương đương với trà ở những vùng núi cao Đài Loan sau này. Sản phẩm sau khi được chế biến theo quy trình mới được các sư phụ và thị trường đánh giá cao, nhờ đó sản lượng trà xuất khẩu cũng tăng đáng kể.
Đây là một công trình sáng tạo trong sự nghiệp làm trà của tôi, làm sản phẩm ngày càng đạt đến độ tinh tế và có hồn. Trong suốt hơn 10 năm đó đến nay, tôi không ngừng nghiên cứu dựa trên quy trình ban đầu để làm ra được sản phẩm ngày càng chất lượng. Gần đây nhất là sản phẩm được các sư phụ công nhận không thua kém gì so với trà vùng núi cao Đài Loan trong chuyến đi Đài cuối năm vừa rồi.
Một vài dự định mới mở ra cho năm 2025 này, mong mỗi ngày đều cố gắng có thể đóng góp nhiều hơn cho ngành trà Việt Nam
Năm vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu 146,11 nghìn tấn chè, thu về 256,41 triệu USD với giá bình quân 1.755 USD/ tấn. Trong khi đó, chè tiêu thụ trong nước chỉ khoảng 48 nghìn tấn nhưng thu về 7.500 tỷ đồng (tương đương với 325 triệu USD). Thực tế rõ ràng, giá trị chè tiêu thụ trong nước cao hơn.
Việt Nam có điều kiện tự nhiên quá thuận lợi để phát triển cây chè. Nhờ vậy, chúng ta đã khai thác điểm mạnh này trong những ngày kinh tế còn khó khăn bằng việc xuất khẩu thô, cây chè cũng trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cứu cánh. Tuy nhiên, trong dài hạn, việc này không giúp tăng giá trị chè Việt Nam. Từ điểm lợi thế trở thành điểm bất lợi, trong khi các quốc gia khác làm nên thương hiệu từ nguồn trà họ nhập khẩu từ Việt Nam và bán với giá rất cao.
Bảo Lộc chúng ta đang nắm giữ rất nhiều nguồn lực thuận lợi để thay đổi điều này, biến “chè thành vàng”. Trong chuyến đi Đài Loan vừa rồi, nhìn vào sản phẩm và sự phát triển trà của họ bằng việc kinh doanh, làm thương hiệu mà tôi mong muốn trà Bảo Lộc của mình cũng nhận được giá trị tương xứng.
Buổi uống trà cuối năm (22 tháng Chạp sắp tới), chúng ta sẽ cùng bàn sâu hơn về vấn đề này. Tôi tin luôn có giải pháp tốt cho tất cả.